Tuyền Ki đồ Tô Huệ

Sau khi Đậu Thao ở Lưu Sa, chàng ta lại lấy một người sủng thiếp khác là Triệu nương, một người con gái xinh đẹp và có tài ca múa. Tô Huệ được tin đó, nên từ thương nhớ, chuyển ra đau thương phẫn hận. Một mình trước hoa dưới nguyệt, cô phòng tịch mịch, lẻ loi đơn chiếc, sáng tác ra những khúc tình thi, uyển chuyển thê lương ai oán.

Một hôm nàng vô tình, rầu rĩ ngồi uống trà, cầm trên tay một chiếc bình trà nhỏ tinh xảo, ngắm nghía cho khuây khỏa làm vui, thấy trên thân bình trà có khắc mấy chữ: "Khả Dĩ Thanh Tâm Dã" (可以清心也; Có thể làm cho tâm hồn thanh tịnh trong sáng).

Nàng đọc đi đọc lại 5 chữ đó. Chợt nhận ra rằng bất luận bắt đầu đọc một từ nào trong năm chữ này, đều có thể tạo được một câu có ý nghĩa, Tô Huệ nảy ra ý nghĩ dựa vào hình thức của năm câu này, để viết thành một thể tài thơ văn đặc biệt và lạ lùng quái đản. Nỗi nhớ triền miên nên hồn thơ dâng trào lên ngọn bút làm thành 10 bài tứ tuyệt.

Sau đó, nàng bỏ công mấy tháng trời, dùng những sợi tơ ngũ sắc để dệt thơ của mình trên gấm, thành một tấm khăn tay, vuông vắn 8 thốn, gồm 841 chữ, được thêu theo hình trôn ốc, từ ngoài xoáy tròn vào trung tâm bức gấm, tạo thành một bức họa đồ hình bằng lụa gọi là Tuyền Ki Đồ (璇璣图).

Tuyền Ki (璇璣), nguyên có nghĩa là những ngôi sao tạo thành chòm sao Bắc Đẩu ở trên trời. Nên Tô Huệ đặt tên bức hình đồ đó là Tuyền Ki, là vì 841 chữ dệt trên bức khăn đó, trông giống như những ngôi sao xếp thành hàng, một cách kỳ diệu và lý thú. Ai đọc được thì biết; không đọc được thì mơ hồ lung tung. Đó chính là những ngôn từ của người vợ chung thủy âm thầm thương nhớ chồng.

Mười bài thơ ấy được truyền tụng với bức gấm thêu, ai cũng nức nở khen cho Tô là một bậc kỳ tàị. Trước họ gọi bức gấm thơ ấy là Tô Huệ chức cẩm hồi văn (苏蕙織錦回文).